Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) vừa ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh (WC). Các điểm tham quan du lịch, điểm dừng chân, điểm phục vụ khách du lịch có WC không đạt chuẩn thì phải lo nâng cấp.
Hầu hết WC dưới chuẩn
Thế nhưng so với tiêu chuẩn thì rất nhiều điểm du lịch không đạt về WC.
Một ngôi chùa ở quận 1 thu hút rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên, WC khai nồng nặc, tối và ẩm thấp, buồng vệ sinh được che chắn tạm bợ, không có bồn vệ sinh. WC nam không có cửa, chỉ có một bức tường gạch ngăn lại.
WC tại Bảo tàng TP (quận 1), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3) khá sạch sẽ, tương đối đầy đủ các hạng mục nhưng vẫn không có xà phòng rửa tay hoặc móc treo đồ.
Một địa chỉ hiếm hoi đảm bảo đủ các yếu tố theo tiêu chuẩn tạm là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh 2 (quận 4). Đáng tiếc là vẫn không có WC dành riêng cho người khuyết tật.
Nhiều điểm du lịch ở các tỉnh, thành khác cũng bị chê vì WC dơ bẩn. Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm kích cầu du lịch nội địa TP.HCM, cho biết tại Khu du lịch Đền Hùng, WC rất hôi, không có giấy vệ sinh nhưng du khách phải trả 2.000 đồng/lượt ra vào. Tại bến thuyền ở vịnh Hạ Long, đừng nói là vào bên trong, chỉ đứng gần WC đã nghe mùi hôi.
Khách phản ứng mới sửa
Ở Huế, từ lâu du khách đã phàn nàn về tình trạng thiếu WC. Để khắc phục điều đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai dự án gần 6 tỉ đồng xây dựng 10 khu WC tại di tích Đại Nội, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, các lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định… Các WC có diện tích rộng rãi, thiết bị hiện đại, có phòng riêng cho người khuyết tật được đưa vào hoạt động đầu tháng 4-2012, trước Festival Huế 2012. Hệ thống WC công cộng dọc bờ sông Hương cũng đã được sửa sang thoáng mát, sạch sẽ phục vụ du khách đi dạo ngắm cảnh.
Một cán bộ Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết WC tại chợ Bến Thành từng bị du khách phản ứng. Nhiều du khách đã viết thư đề nghị sửa gấp WC. Sau đó, tại chợ đã xây một khu WC dành cho khách Tây, một khu WC dành cho tiểu thương. “Nhưng phải thừa nhận rằng vẫn chưa đảm bảo tiêu chí sạch sẽ! Tôi thấy sau khi khách dùng WC, người dọn vệ sinh đứng ở ngoài rồi hắt nước vào trong. Sàn lênh láng nước, mùi thum thủm” - vị cán bộ trên cho biết.
Theo kế hoạch của Bộ VH-TT&DL, đến hết năm 2012, mỗi địa phương có ít nhất 50% điểm du lịch có WC đạt chuẩn và đạt 100% vào năm 2014.
Tuần sau sẽ họp về WC
Tôi cho rằng WC ở các điểm tham quan tại TP.HCM đều đã làm được tiêu chuẩn Tổng cục đưa ra. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức vệ sinh, ý thức phục vụ của nhân viên thì vẫn chưa làm được. Nhiều WC không có người túc trực quét dọn thường xuyên nên rất nhanh bẩn.
Trong tuần tới, Sở sẽ thảo luận với các khách sạn, điểm tham quan du lịch về tiêu chuẩn WC du lịch. Chúng tôi sẽ đặt vấn đề về ý thức giữ vệ sinh, lau dọn thường xuyên của các điểm du lịch.
Ông LÃ QUỐC KHÁNH, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP. HCM
Vào WC, ra bỏ tour
Tiêu chuẩn mà Tổng cục mới ban hành chỉ là những điều cơ bản nhất về WC nhưng thực tế nhiều địa phương không làm được điều đó cho các điểm du lịch. Có du khách sau khi “thăm” WC xong đã đòi về khách sạn ngay vì chẳng còn tâm trí đâu mà ăn uống, thưởng ngoạn cảnh đẹp nữa.
Ông TRẦN THẾ DŨNG,
Phó Trưởng nhóm kích cầu du lịch nội địa TP.HCM
Quan trọng nhất là nhân viên
Khu du lịch rừng Madagui (Lâm Đồng) là một trong những điểm tham quan có hệ thống WC được du khách hài lòng.
WC ở đây có hệ thống tự động, sàn khô ráo, sạch sẽ, rộng rãi. Quan trọng là luôn có người túc trực để dọn dẹp, chăm sóc.
WC hiện đại đến mấy mà không có người thường xuyên chăm sóc thì cũng nhanh dơ bẩn. Vì vậy, Tổng cục đưa ra tiêu chuẩn cho WC du lịch là điều cần thiết. Nhưng các điểm du lịch cần bố trí nhân viên vệ sinh trực thường xuyên.
Ông NGUYỄN NHÂN NHẬT PHÚ, Giám đốc Trung tâm Lữ hành của Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn
Tiêu chuẩn WC
WC phải có số phòng vệ sinh phù hợp với số lượng khách; có chia nam, nữ; tường cao trên 2,5 m, ốp gạch men, sàn lát chống trơn, diện tích tối thiểu 2,5 m 2 /phòng.
Phòng vệ sinh phải có cửa, có chốt cài, móc treo túi hoặc giá để đồ, giấy vệ sinh, thùng rác có nắp... WC phải cung cấp nước sạch 24/24 giờ, có hệ thống xử lý nước thải, không có mùi hôi, không ứ đọng nước.
Có nhân viên phục vụ lau dọn, cung cấp đồ dùng khi thiếu hoặc hết.
(Trích tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch)
Ám ảnh từ nhà vệ sinh
Cuối năm 2011, tôi theo công ty của người bạn đi nghỉ mát ở Phan Thiết. 6 giờ sáng, xe lăn bánh từ TP.HCM và đến 9 giờ thì đoàn dừng lại dùng bữa ăn sáng ở một trạm bên đường. Vừa xuống xe, tôi vội chạy vào nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu. Tại đây có hàng chục người đứng xếp hàng và tôi phải đợi hơn 10 phút mới vào được. Điều khiến tôi kinh hãi là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc do toilet không xài vòi tự động. Mọi người phải dùng nước dội nhưng nước lại chảy từng giọt rất ít... Ra khỏi nhà vệ sinh, tôi không thể ăn uống gì được nên phải mua ổ bánh mì để lên xe chống đói.
Khoảng 3 giờ sau, đoàn chúng tôi đến Phan Thiết. Động tác đầu tiên của tôi khi nhận phòng khách sạn là bước vào toilet để xem xét tình hình. Thấy các dụng cụ trong đó tương đối tốt, tôi mới yên tâm ra ngoài tắm biển…
Tại TP.HCM, các nhà vệ sinh công cộng còn thưa thớt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ảnh minh họa
Đi vệ sinh là một nhu cầu quan trọng của mọi người nên nếu các trạm dừng chân, khách sạn… không quan tâm, tổ chức đàng hoàng thì dù các dịch vụ khác được làm tốt cỡ nào, khách cũng không mặn mà quay lại.
PHAN THIÊN HƯƠNG (Quận Bình Tân, TP.HCM)
Năm rồi tôi có dịp đi tham quan khu Tuần Châu của tỉnh Quảng Ninh. Tôi còn nhớ rất rõ là sau khi ăn chiều thì chúng tôi phải ngồi xe khoảng 40 phút theo con đường độc đạo xuyên qua mặt biển êm ả mới tới nơi.
Sau khi mua vé đi tham quan lòng vòng một hồi, tôi và người bạn muốn đi vệ sinh. Không thấy bảng hướng dẫn nên chúng tôi phải đi hỏi nhân viên bảo vệ và được chỉ ra ngoài cổng cách đó cả cây số. Khu nhà vệ sinh tại đây rất rộng, phân chia nam, nữ riêng biệt và mặc dù thu 2.000 đồng/người nhưng mùi hôi hám xộc ngay vào mũi du khách. Tôi chỉ dám bước đi nhè nhẹ vì sàn nhà vệ sinh tuy có lót gạch nhưng bị ứ nước và bẩn thỉu. Đâu chỉ có thế, phòng vệ sinh rất dơ và tôi phải nhắm mắt đi cho xong việc rồi nhanh chân chạy ra.
Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao một khu du lịch sang trọng như vậy lại có thể để nhà vệ sinh quá bẩn thỉu khiến nhiều du khách không còn muốn quay trở lại.
TUYẾT NHƯ (Phường 12, quận 10, TP.HCM)
Thiếu và nhếch nhác
Năm nay cơ quan tôi có tổ chức chuyến du lịch tới một địa điểm có phong cảnh hữu tình khá hấp dẫn. Rất nhiều người muốn đăng ký nhưng sau đó đã luyến tiếc bỏ tour vì nghe nói có thể phải sống như Robinson ở đảo hoang, ăn “bụi” và đi vệ sinh cũng “bụi”. Tuy cho rằng mỗi kiểu chơi đều có cái thú của nó nhưng tôi cũng đồng cảm đi du lịch mà phải thắc thỏm lo chuyện vệ sinh thì ít nhiều thú vui cũng bị ảnh hưởng.
Có dịp đi nhiều nơi nên tôi thấy nhiều nhà vệ sinh rất tệ hại. Từ TP.HCM đến các tỉnh, nếu phải ghé các trạm đổ xăng, nhiều du khách có nhu cầu cũng rất ngại đi vào. Ở các nhà hàng mà xe du lịch thường dừng lại cho du khách ăn uống, nghỉ ngơi, nhà vệ sinh luôn bị quá tải, quá dơ, không có giấy, xà phòng, nước lại chảy yếu…
Tại TP.HCM, nhiều du khách có sở thích đi bộ dạo quanh TP cũng đau đầu với chuyện vệ sinh cá nhân do các nhà vệ sinh công cộng còn thưa thớt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đã vậy, chúng cũng không được sạch, bước vào là có mùi hôi, diện tích lại quá nhỏ, có thể gây khó khăn cho những du khách nước ngoài to con.
Trong một lần dạo chơi ở Khu du lịch Văn Thánh, tôi đã rất ấn tượng bởi sự sạch sẽ, mùi thơm dễ chịu, cách bày biện những đồ dùng, những bức tranh treo tường xinh xắn trong nhà vệ sinh tại đây. Dĩ nhiên là tôi hài lòng và sẽ an tâm giới thiệu địa điểm này cho nhiều bạn bè.
ĐẶNG CẢNH (Quận Bình Thạnh)
Tôi đã có dịp đi Côn Đảo và giờ nghe ai hỏi về địa danh này tôi đều mạnh dạn khẳng định: “Đẹp, hay!”. Tuy nhiên, có một chuyện tế nhị mà tôi vẫn thấy thẹn khi kể lại.
Trong lúc tham quan khu nhà tù khá rộng của Pháp thì tôi và chị bạn có nhu cầu đi vệ sinh. Nhìn xung quanh không có bảng hướng dẫn, chúng tôi quay sang tìm hướng dẫn viên nhưng anh này đã mất hút trong dòng người đang thẳng tiến. Nhờ mấy người trong đoàn từng đến đây chỉ chỗ nhưng họ đều lắc đầu “không biết”. Chợt nhìn thấy gần đó có miếng đất trống đầy cỏ có bức tường bao bên ngoài, mọi người đã đẩy hai chúng tôi vào. Cả hai chạy lẹ như ma đuổi… Nhưng như vậy vẫn chưa yên, vài người nam do không biết chuyện đã toan đi vào bên trong tham quan. Nghe mấy chị đang đứng canh chừng la to “không được, cấm vào” rồi sau đó là tiếng cười của mấy người nam, tụi tui run bần bật.
Sau đó, để tránh chuyện không hay xảy ra lần nữa, tôi đã quan sát rất kỹ khi bước chân vào khu nhà tù của Mỹ. Thế nhưng tôi vẫn không tìm thấy ký hiệu WC nào cả…
Nhân đây cho tôi đề nghị: Các khu du lịch nên đặt ở cổng ra vào bảng chỉ dẫn các vị trí của khu, trong đó có nhà vệ sinh. Đồng thời, hướng dẫn viên nên chủ động giới thiệu điều này để mọi người đều rõ. Tất nhiên, nhà vệ sinh phải hội đủ yêu cầu theo quy định của Tổng cục Du lịch để du khách luôn cảm thấy dễ chịu, hài lòng.
MINH CHÂU
NHÓM PV(Pháp luật HCM)